Những sự kiện gây “chấn động” thị trường bất động sản 2022

Ở thời điểm kết thúc năm 2021, nhiều chuyên gia từng dự báo thị trường Bất động sản năm 2022 sẽ có sự tăng trưởng tích cực ở nhiều phân khúc. Tuy nhiên, đây lại là năm đầy biến động của ngành Bất động sản.

Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai sửa đổi

Sáng 1/11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng, đã trình Quốc hội dự Luật Đất đai sửa đổi. Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Hàng loạt vấn đề được Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung để giải quyết các bất cập phát sinh trong thực tiễn và thể chế hóa các chính sách quản lý, sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nêu tại Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Trong đó, ba nội dung được cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế đặc biệt quan tâm gồm quy định về thu hồi, trưng dụng đất, xác định giá đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn

Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng có đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu đối với các loại nhà chung cư. Nội dung được quan tâm nhất là Bộ tiếp tục đề xuất 2 phương án về quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Trong đó, một phương án là giữ nguyên theo quy định hiện hành, tức là không quy định thời hạn sở hữu. Phương án còn lại, là thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng.

Nóng chuyện đánh thuế bất động sản thứ hai

Đề xuất thí điểm đánh thuế bất động thứ hai của TP.HCM mới đây nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo Tờ trình gửi Chính phủ của TP.HCM, việc đánh thuế giúp hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Ngoài ra, khoản thuế này sẽ giúp thành phố có thêm nguồn thu ngân sách để tái đầu tư phát triển.

Thực tế, đây không phải là lần đầu việc đánh thuế bất động sản thứ hai được đưa ra thảo luận. Câu chuyện đánh thuế căn nhà từ thứ hai trở đi đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Cách đây 5 năm, Chính phủ cũng từng đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai tại TP.HCM, nhưng sau đó không được thông qua.

Theo quyết định phê duyệt chương trình hành động triển khai thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Bộ Tài chính, cơ quan này lên kế hoạch trong năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét và năm 2024 ban hành luật thuế liên quan đến tài sản. Sau khi Quốc hội ban hành luật này, năm 2024, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành thuế liên quan đến tài sản.

Doanh nghiệp bất động sản trong cơn “đói vốn”

Năm 2022, cơn khát vốn của doanh nghiệp ngày càng trầm trọng, nhà đầu tư mất niềm tin sau khi thị trường chứng khoán, trái phiếu gặp khó. Doanh nghiệp thiếu vốn, nhiều dự án đình trệ, nhiều doanh nghiệp buộc phải cân nhắc nhiều giải pháp để tồn tại.

Trong đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO.

Ngoài việc thay đổi các kế hoạch kinh doanh, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.

Loạt lãnh đạo doanh nghiệp bất động bị khởi tố, bắt tạm giam

Trong năm 2022, đã có một số lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản bị bắt tạm giam, truy tố để điều tra sai phạm.

Cụ thể, tháng 3/2022 Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”. Cùng với ông Quyết, nhiều cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty cũng đang bị điều tra về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” trong sai phạm xảy ra ngày 10/1.

Tháng 4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và sáu bị can đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 7/2021 đến tháng 3, ông Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên và các công ty liên quan để phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng.

Đầu tháng 10/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Trương Huệ Vân – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor;… Kết quả điều tra ban đầu xác định bà Lan cùng các đồng phạm đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân, giai đoạn năm 2018-2019.

Doanh nghiệp địa ốc chạy đua mua trái phiếu trước hạn

Thời điểm cuối năm, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản chạy đua để mua lại các lô trái phiếu đã phát hành dù nhiều đợt phát hành vừa được thực hiện.

Công ty cổ phần Sunshine Homes vừa thông báo mua lại trái phiếu trước hạn với quy mô 500 tỉ đồng. Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) đã có nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn, với tổng giá trị hơn 1.150 tỉ đồng.

Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land cũng bắt đầu mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu đã phát hành. Dự kiến trong 30 ngày, Hưng Thịnh Land sẽ hoàn thành mua lại các lô trái phiếu có giá trị 400 tỉ đồng này.

Từ cuối tháng 10 đến nay, Công ty bất động sản Phát Đạt cũng đã mua lại trước hạn 338,7 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Hiện số dư nợ trái phiếu của Phát Đạt đã giảm xuống còn 2.500 tỉ đồng.

FiinRating cho biết trong bối cảnh phát hành mới gần như đóng băng, thị trường tiếp tục chứng kiến hoạt động mua lại gia tăng trong tháng 10. Điều này làm cho dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15.800 tỉ đồng trong tháng 10, với giá trị mua lại và đáo hạn lần lượt là 5.810 và 10.230 tỉ đồng.

Bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm

Vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận trong những tháng đầu năm 2022. Ngày 10/12/2021, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. HCM tổ chức bán đấu giá lần lượt 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Công ty TNHH đầu tư Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá lô đất 3-12 với giá 24.500 tỉ đồng, gấp 8,3 lần giá chào, đưa đơn giá mỗi m2 lô đất này lên ngưỡng 2,43 tỉ đồng/m2.

Tiếp đó, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh nhà thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9, diện tích 5.009m2 với giá 5.026 tỉ đồng; Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô 3-8, có diện tích 8.500m2 với mức 4.000 tỉ đồng; Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5, có diện tích 6.446m2 với mức 3.820 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngày 11/1/2022, lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất đã trúng thầu trước đó. Sau Tân Hoàng Minh, 3 doanh nghiệp còn lại đều bỏ cọc sau nhiều lần cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ sau khi trúng đấu giá.

Nguồn: Sưu tầm

5/5 - (1 bình chọn)

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
Email
Scroll to Top